Học cao đẳng dược ra trường không bán thuốc thì làm gì?


  
  
  
     
Lượt xem: 1894 | Đăng bởi: phamtrang

Học cao đẳng dược ra trường không bán thuốc thì làm gì? là vấn đề được rất nhiều bạn quan tâm, cũng là câu hỏi ban tư vấn tuyển sinh của nhà trường thường xuyên nhận được trong thời gian gần đây. Bởi nói đến học cao đẳng ngành Dược, đa số mọi người liền nghĩ ngay tới việc ra trường đi bán thuốc mà không biết rằng, dược sĩ còn có thể đảm nhiệm được rất nhiều vị trí công việc khác nhau xoay quanh vòng đời của một viên thuốc, từ khâu nuôi trồng dược liệu cho tới khi viên thuốc đến tay người tiêu dùng.

Dược sĩ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn về ngành dược, vì thế mà sau khi ra trường, dược sĩ sẽ làm những công việc liên quan tới vòng đời của một viên thuốc. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những vị trí công việc cơ bản nhất của dược sĩ tốt nghiệp cao đẳng ngành dược nhé!

Dược sĩ làm việc ở khâu nuôi trồng dược liệu

Dược liệu (nguyên liệu sản xuất thuốc) chính là yếu tối cốt lõi tạo nên một viên thuốc. Chất lượng dược liệu đóng vai trò quyết định chủ yếu tới chất lượng của thuốc thành phẩm. Dược liệu bao gồm thực vật, động vật và các loại khoáng chất, trong đó, dược liệu từ thực vật, động vật đang được quan tâm, chú trọng phát triển nhất hiện nay. Do đó, “nuôi trồng dược liệu là khâu đóng vai trò hết sức quan trọng trong quy trình sản xuất thuốc.

Nhiều người cho rằng, ở khâu này, chỉ cần kiếm một mảnh đất rộng, thoáng rồi giao khoán cho nông dân, nhưng trên thực tế, điều đó là hoàn toàn không chính xác. Bởi cùng một loại cây, một loại con, những khi được nuôi trồng trong những điều kiện khác nhau thì dược tính cũng sẽ khác nhau.

Do đó, nhất thiết phải có những dược sĩ có trình độ chuyên môn về ngành dược nói chung và dược liệu học nói riêng hướng dẫn, theo dõi, giám sát toàn bộ quá trình này, đảm bảo dược liệu được nuôi trồng đúng quy trình khoa học và đạt được chất lượng tối ưu.

Dược sĩ làm việc ở khâu nghiên cứu công thức thuốc

cong-viec-cua-duoc-si

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc. Yếu tố để họ có thể cạnh tranh với nhau và chiếm lĩnh thị phần chính là sự khác biệt trong sản phẩm thuốc mà họ tạo ra.

Cùng là thuốc hoạt huyết dưỡng não, doanh nghiệp A, doanh nghiệp B, doanh nghiệp C... đến doanh nghiệp N đều sản xuất, vậy người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nào? Hay chính xác hơn thì làm thế nào để doanh nghiệp A có thể thuyết phục bệnh nhân sử dụng thuốc của mình thay vì thuốc của B, của C...? Trong trường hợp này, công thức thuốc đặc biệt chính là điều kiện mang tính chất quyết định.

Theo đó, doanh nghiệp muốn người bệnh sử dụng thuốc của mình thì trước hết, sản phẩm thuốc đó phải hiệu quả và phải có sự khác biết so với những sản phẩm của các doanh nghiệp khác, thậm chí khác biệt so với những sản phẩm trước đó của chính mình.

Mà người tạo nên sự khác biệt đó chính là những dược sĩ công tác trong lĩnh vực nghiên cứu thuốc. Ở vị trí này, các bạn có thể làm việc cho các trung tâm nghiên cứu thuốc mới của cơ quan nhà nước, của các bệnh viện, trường đại học lớn, hay làm việc cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc. Đây là công việc đòi hỏi bạn phải có trình độ chuyên môn sâu rộng và nhiều tố chất khác như tính cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên trì... Tuy nhiên, khi làm tốt công việc của mình, tạo nên được một công thức thuốc đặc biệt thì mức thu nhập của bạn sẽ rất lớn.

Dược sĩ làm việc ở khâu bào chế, sản xuất thuốc

Sau khi đã có được công thức, thuốc sẽ được sản xuất thử nghiệm, nếu vượt qua được quá trình kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng khắt khe, thuốc mới đi vào sản xuất đại trà. Mặc dù các công ty, xí nghiệp sản xuất thuốc đều đã đầu tư hệ thống dây truyền sản xuất tự động, song vẫn cần có những dược sĩ có chuyên môn sâu về bào chế chịu trách nhiệm vận hành các thiết bị máy móc đó và giám sát toàn bộ quá trình.

Đây là một trong những khâu đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng nhất. Vì thế, những dược sĩ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bào chế luôn được các doanh nghiệp hết sức săn đón, chế độ đãi ngộ cũng sẽ cao hơn so với nhiều vị trí công việc khác.

Dược sĩ làm việc ở khâu kiểm nghiệm thuốc

Những dược sĩ làm việc ở giai đoạn này thường được gọi là kiểm nghiệm viên. Các bạn có thể làm việc cho các xí nghiệp, công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc, các cơ sở y tế... với nhiệm vụ kiểm nghiệm sản phẩm thuốc xem có đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Y tế hay không.

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể làm việc cho cơ quan quản lý dược của Nhà nước với nhiệm vụ đi đến các công ty, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, các nhà thuốc, cơ sở y tế, thậm chí quầy thuốc nhỏ lẻ để lấy mẫu thuốc về kiểm nghiệm xem có đạt tiêu chuẩn lưu hành của Bộ Y tế hay không. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, sẽ tùy theo mức độ để quyết định mức xử phạt.

Dược sĩ làm khâu bảo quản thuốc

cong-viec-cua-duoc-si2

Trước khi phân phối ra thị trường và đến tay người tiêu dùng, thuốc đều được lưu trữ bảo quản trong kho. Tất cả các cơ sở y tế, công ty, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc, các nhà thuốc, quầy thuốc nhỏ lẻ... đều vô cùng coi trọng công tác bảo quản thuốc cũng như những dược sĩ làm công việc này.

Bởi thuốc được tạo ra để nhằm phòng bệnh, trị bệnh, nâng cao sức khỏe con người, những khi bảo quản không đúng cách, thuốc có thể giảm hiểu quả, thậm chí biến đổi trở thành độc dược, đe dọa trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe con người.

Chính vì lẽ đó mà cơ hội việc làm cho những dược sĩ có chuyên môn về bảo quản thuốc là rất lớn. Bên cạnh đó, cũng phải khẳng định rằng, những dược sĩ làm công tác bảo quản thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống ngành dược nói riêng và hệ thống y tế nói chung.

Dược sĩ làm kinh doanh, phân phối thuốc

Ở khâu này, dược sĩ có thể làm công tác marketing dược (là người hoạch định chính sách, kế hoạch đưa sản phẩm thuốc tiếp cận thị trường) hoặc trình dược viên (trực tiếp phân phối thuốc đến các cơ sở y tế, những nhà thuốc, hiệu thuốc, đại lý thuốc...).

Trong đó, trình dược viên là công việc được đánh giá rất giàu tiềm năng phát triển, vừa mang lại nguồn thu nhập lý tưởng, vừa tạo cơ hội cho những dược sĩ rèn luyện bản lĩnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Nói tóm lại, đứng quầy bán thuốc chỉ là một khâu rất nhỏ và là mắt xích cuối cùng trong hệ thống các công việc người dược sĩ có thể đảm nhiệm sau khi ra trường. Nếu không bán thuốc, dược sĩ còn có thể làm được rất nhiều các công việc khác. Do đó, các bạn có thể yên tâm tiếp tục theo đuổi niềm đam mê ngành dược với một tương lai tươi sáng đang đón chờ phía trước./.

Tag: Dược sĩ ; CAO ĐẲNG NGÀNH DƯỢC ; công việc của dược sĩ cao đẳng

Tin tức khác

  • hotline
  • ДђДѓng kГЅ hбЌc

TГm chГєng tГґi trГЄn facebook

LiГЄn kбєїt website

  • Trung c y dược Phiếu đăng ký xét tuyển Xet tuyen
DMCA.com Protection Status