Lo ngại thi thpt quốc gia trên máy tính khó khả thi


  
  
  
     
Lượt xem: 1146 | Đăng bởi: dinhvancuong

Dự kiến của Bộ GD&ĐT từ sau năm 2020, kỳ thi của thí sinh sẽ được tổ chức thực hiện làm bài trên máy vi tính. Thông tin này đang gây nhiều tranh cãi từ dư luận.

Học sinh, phụ huynh đều lo khi sắp thi trên máy tính 

Em Văn Long, học sinh lớp 11 tại một trường THPT quận 1 TP Hồ Chí Minh chia sẻ, em và các bạn khi nghe thông tin này đều cảm thấy khá bối rối. Do mỗi học kỳ hiện nay, bản thân mỗi học sinh chỉ được thực hành ở phòng máy chừng 5 lần trong 1 tuần tại các buổi học chính khóa và thêm một số buổi trong thời gian học ngoại khoá, hay học nghề.

Ngoài cuộc thi giải Toán qua Internet nhưng đã rất lâu, từ năm học THCS. Vì vậy, Long cho biết, khi thi THPT quốc gia sẽ gây nên cảm giác không tự tin thao tác trên máy, đặc biệt là với một kỳ thi quan trọng như THPT quốc gia. Và em hy vọng nếu em thi THPT quốc gia vào năm 2021 thì Bộ GD&ĐT vẫn chưa thực hiện thi trên máy tính.

Một học sinh lớp 10 tại Trường THPT Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Nhiều năm thi trên giấy và đã ôn luyện cách làm bài thi trước khi vào bậc THPT rồi, vì vậy thay đổi thi THPT quốc gia trên vi tính sẽ là bước ngoặt với học sinh chúng em”.

Cùng trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, một phụ huynh học sinh (PHHS) của Trường THPT Trưng Vương cũng nói: “Tôi rất ủng hộ cho thi THPT quốc gia trên máy tính nhưng việc này là thay đổi một thói quen lớn của học sinh vì vậy phải xem xét có lộ trình, để cho cả thầy và trò, PHHS chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Nhất là phải  đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho tất cả học sinh”.

Chia sẻ thêm, chị Hoa, ngụ tại phường 17, Gò Vấp cho hay: “Chúng tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT có thể thí điểm việc thi trên máy tính ở một số trường đạt chuẩn, có trang thiết bị, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin tốt. Nếu trang thiết bị không đảm bảo, đang thi mà máy bị treo, tâm lý làm bài và kết quả bài thi của học sinh sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Ngoài ra, trước khi thi thật, cần có thời gian ít nhất là vài tháng trở lên để cho học sinh luyện tập việc làm bài thi trên máy tính. Từ thao tác cho tới định hướng ôn tập, cách thức ôn tập phù hợp với kiểu cách thi mới”.

Lo ngại  “tính khả thi” của thi thpt quốc gia trên máy tính 

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu tổ chức thi bằng vi tính với kỳ tuyển sinh THPT quốc gia, về cơ bản, chủ trương đưa ra là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

“Sẽ rất hiệu quả và giảm, tránh những bất cập trong thi cử. Chúng tôi ủng hộ Bộ. Tuy nhiên vấn đề quan trọng theo tôi chính là, điều kiện đáp ứng về cơ sở vật chất của các địa phương về trang thiết bị vi tính, phần mềm hỗ trợ, về lực lượng tham gia trong kỳ thi làm sao đảm bảo yếu tố an toàn, nghiêm túc”, thầy Lý nói.

Riêng về tiêu chí an toàn cho kỳ thi, TS Trần Đình Lý cho rằng, phần mềm và ngân hàng đề thi thì có thể yên tâm vì Bộ GD&ĐT và các trường đã có nhiều kinh nghiệm trong các đợt tổ chức thi cử nhiều năm qua. Nhưng, có một lo ngại đặt ra đó là, máy tính do các địa phương chịu trách nhiệm, quản lý. Việc này phải tính toán kỹ vì nó quyết định sự thành công về mặt kỹ thuật của cả một kỳ thi. Khi tổ chức thi vi tính cho cả một lượng người rất lớn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan trọng số 1 là phải trang bị một hệ thống máy vi tính đạt chuẩn và tập trung một số lượng đông thí sinh thi cùng một lúc. Nhiều ý kiến đưa ra cho rằng, tổ chức thi vi tính sẽ “né” được hàng loạt công việc phiền phức, nhất là không có yếu tố con người dính vào.

Nhưng đội ngũ phục vụ cho việc thi trên vi tính có rất nhiều việc phải hoàn hảo để đảm bảo kỳ thi diễn ra thông suốt, như: cài đặt phần mềm, sắp xếp các file, cho thí sinh ngồi thi trong phòng máy tính, khi trục trặc thì biết xử trí thật thuần thục để không làm ảnh hưởng tới công tác tổ chức thi.

Khi tổ chức thi bằng vi tính việc, phần mềm thi chỉ cần offlline không cần qua mạng vì qua mạng sẽ gây nhiều phiền phức. Ví dụ rõ nhất là tại các vùng sâu vùng xa thì lấy đâu ra mạng.

Đây là một bất cập. “Tuy nhiên, thi trên vi tính, thời gian sẽ ngắn hơn, nó có thể thực hiện thi cùng nhiều ca một lúc trong một môn trong 1 ngày. Số lượng máy tính không thể có đủ cho 1 triệu thí sinh nên phải chia ca ra. Không đơn giản tí nào!”, thầy Dũng nói.

Thầy Dũng cũng cho rằng, thi trên giấy hay vi tính đều là trắc nghiệm. Chỉ có vấn đề là cơ sở hạ tầng và thiết bị phục vụ kỳ thi phải đáp ứng yêu cầu. Vì nếu tất cả thí sinh vùng sâu cũng như vùng đô thị đều có trình độ Tin học như nhau, có khả năng sử dụng vi tính như nhau thì không sao. Nếu không, dễ sẽ xảy ra tình trạng thiếu công bằng giữa thí sinh các vùng miền.

Các thí sinh vùng đô thị sẽ làm bài thuận lợi hơn vì quen tay hơn. Từ đây cũng có một hệ luỵ rất lớn xảy ra, đó là nguy cơ học sinh vùng đô thị sẽ có cơ hội xét tuyển vào ĐH nhiều hơn học sinh vùng khó khăn. Vì lý do đó, nếu ngay sau năm 2020, việc thi THPT quốc gia trên máy tính vẫn là khó khả thi, dù chỉ là thí điểm.

Ngay cả một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh cũng chưa đủ cơ sở hạ tầng để tổ chức thí điểm. Mà phải cần ít nhất là 5 năm cho kế hoạch này, đồng thời phải tổ chức một trung tâm khảo thí đủ mạnh để thực hiện. Ngân hàng đề thi phải rất dồi dào, đảm bảo chất lượng để thí sinh có thể thi nhiều đợt.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trực tiếp làm ở vị trí công tác nắm dữ liệu thí sinh hằng năm qua phần mềm vi tính, tôi nhận thấy, chỉ riêng phục vụ cho môt hệ thống thí sinh coi điểm, truy cập điểm và xét tuyển ĐH thì mỗi năm có 1 triệu thí sinh thi, quá trình làm việc nhận thấy không một cái server nào “chịu nổi”.

Vì hàng triệu người sẽ thi một lúc, truy cập một lúc. Khi không đáp ứng được về mạng thì coi như kỳ thi… rất khó được đánh giá”.

Cũng theo ông Cường, nếu việc thi tổ chức trên máy tính thôi, dồn hết về máy chủ để chấm, thì một tình huống lại đưa ra là có công bằng, có khách quan hay không. Điều băn khoăn nữa là việc thi trên máy tính, mọi việc phải có lộ trình.

“Thế nhưng lâu nay, tại các trường THPT, THCS có mấy khi nhà trường tổ chức thi trên vi tính. Như vậy, thí sinh thiếu sự rèn luyện, làm quen! Vùng sâu vùng xa, trình độ tin học lệch nhiều so với học sinh đô thị. Lực lượng hỗ trợ phải thật giỏi về vi tính mới làm được. 

Thời gian thi là thời gian vàng. Nếu máy treo một cái thì nhiều thí sinh sẽ… ngồi khóc. Thứ nữa, không chỉ đơn giản là cái máy vi tính mà còn là tinh thần của một học sinh sau 12 năm đèn sách vất vả. Tới ngày đi thi không may chỉ vì cái máy vi tính treo không làm được bài thì không biết điều gì sẽ xảy ra với cậu, cô học trò này. Em đó nghĩ quẩn thì ai chịu trách nhiệm? Tóm lại là thi trên vi tính theo tôi là khó khả thi. Nhất là vấn đề kỹ thuật và người hỗ trợ kỳ thi”, ông Nguyễn Quốc Cường phân tích thêm.

Tổng hợp tin tức giáo dục.

Tag: thi thpt quốc gia ; thi thpt quốc gia trên máy tính ; thi thpt quốc gia năm 2020

Tin tức khác

  • hotline
  • ДђДѓng kГЅ hбЌc

TГm chГєng tГґi trГЄn facebook

LiГЄn kбєїt website

  • Trung c y dược Phiếu đăng ký xét tuyển Xet tuyen
DMCA.com Protection Status